Quế An là một xã vùng Tây của huyện Quế Sơn, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 3,5 km về phía Tây-Tây nam. Cách Quốc lộ 1A khoảng 24 km.
- Phía Đông giáp xã Quế Minh.
- Phía Tây giáp xã Quế Phong.
- Phía Nam giáp xã Quế Thọ và xã Bình Lâm huyện Hiệp Đức.
- Phía Bắc giáp với Thị trấn Đông Phú và xã Quế Long.
Nơi đây, trước cách mạng tháng 8 năm 1945 gồm có 4 làng: Châu Sơn, Thắng Đông, Thắng Tây và Trà Đình. Đến năm 1956 chia thành 2 xã Sơn Thắng và Sơn Long. Sau ngày miền Nam giải phóng xã Quế An được thành lập gồm các xã: Sơn Thắng, Sơn Lộc, thôn Châu Sơn của xã Sơn Long gồm có 06 thôn. Đến tháng 12/1983 tách xã Sơn Lộc ra thành xã Quế Minh, xã Quế An còn lại xã Sơn Thắng và thôn Châu Sơn cho đến ngày nay. Năm 2003 từ 03 thôn xã Quế An được chia thành 08 thôn: thôn Thắng Trà, Thắng Tây, Thắng Đông 1, Thắng Đông 2, Châu Sơn 1, Châu Sơn 2, Châu Sơn 3 và Châu Sơn 4 (nay gọi là thôn Đông Sơn).
Xã Quế An có diện tích tự nhiên hiện khoảng 1.630 hecta, trong đó đất nông nghiệp chiếm 708,9 hecta, đất lâm nghiệp 86 hecta, còn lại là núi, đồi gò, gò vườn, dương dốc và sông suối. Diện tích sản xuất chủ yếu là ruộng bậc thang, nhân dân xã Quế An sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi.
Khí hậu thuận lợi cho trồng trọt và chăn nuôi, nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 27-280C, lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 2000mm, có 2 mùa, mùa mưa và mùa nắng rõ rệt, mùa mưa khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm.
Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 1920 hộ dân sinh sống, với gần 7.622 nhân khẩu. Đất đai chủ yếu là đất bạc màu và đồi núi nằm rải rác ở các làng như làng Trà Đình có đồi Cấm Lá và Gò Giữa, Sơn Trà có Gò Đình và Núi Đất, Thắng Tây có đồi Rừng Miếu và đông bắc chân Hòn Chiêng, ở Thắng Đông có Cấm Bọ và núi Lạc Sơn, ở Châu Sơn có núi Dương Là, Dương Trúc, Đá Khảm, Rừng Già và Hòn Chiêng. Trong đó có 02 ngọn núi cao nhất là núi Rừng Già có độ cao 440 mét và núi Hòn Chiêng có độ cao 270 mét.
Đặc biệt ở xã Quế An có núi Hòn Chiêng, núi Rừng Già có điều kiện tự nhiên đã ưu đãi cho ta nhiều thuận lợi, có nhiều hố đá nơi đây là căn cứ cách mạng đã che chở cho bộ đội, cán bộ và nhân dân trú ẩn an toàn lập nên những chiến công lịch sử trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Hiện nay núi Hòn Chiêng được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.
Quế An có con đường tỉnh lộ 105 (ĐT611) bắt đầu từ ngã ba Hương An đến ngã ba huyện lỵ, một con đường 611A chạy qua Đèo Le, một con đường 611B chạy ngang qua xã khoảng 5,3 km nối liền với con đường lên huyện Hiệp Đức, đây là con đường chạy theo chiều dài của xã. Trong thời kỳ kháng chiến địch dùng con đường này để khống chế các cứ điểm trong xã và những nơi lân cận. Hiện nay đây là con đường giao thông chính cộng với hàng chục con đường giaothông ĐH, ĐX liên thôn, liên xã được mở rộng đã tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi làm ăn phát triển kinh tế.
Ngoài ra trên địa bàn xã có Đập 31, Đập 38, Trạm bơm Cầu Liêu, Trạm bơm Thắng Đông 1 và tuyến kênh N32 từ hồ Việt An xã Bình Lâm huyện Hiệp Đức chạy đến xã Quế An qua xã Quế Phong nên đây là lợi thế của địa phương trong việc sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế của địa phương.